10 siêu lừa của thế giới

Hôm 6/3 vừa qua, một trong những trùm lừa đảo tài chính nổi tiếng nhất trong lịch sử Allen Stanford đã phải ra hầu tòa tại Mỹ vì đã vận hành một chương trình lừa đảo đa cấp (Ponzi) khiến 30.000 nhà đầu tư “sập bẫy” và mất sạch tổng số tiền 7 tỷ USD.

Stanford là một trong những đại diện nổi bật nhất của hoạt động lừa đảo trong lịch sử tài chính thế giới. Tuy nhiên, trước siêu lừa này, cũng đã có nhiều “bậc tiền bối” sừng sỏ khác bị luật pháp sờ gáy. Đặc biệt, trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008-2009, một loạt vụ lừa đảo tài chính quy mô lớn vỡ lở, trong đó phải kể tới vụ lừa đảo khổng lồ của Bernie Madoff.

Tạp chí Time của Mỹ điểm qua 10 vụ lừa đảo tài chính kiểu Ponzi đình đám nhất từ trước đến nay:

Allen Stanford




Stanford từng là một trong những tỷ phú tài chính nổi tiếng của Mỹ, có lối sống xa hoa, sở hữu nhiều biệt thự, du thuyền, và thậm chí cả một sân bóng cricket ở quần đảo Antigua. Ở thời kỳ đỉnh cao, giá trị tài sản của Stanford lên tới 2,2 tỷ USD. Làm từ thiện hào phóng, Stanford thậm chí còn được phong tước hiệp sỹ tại Antigua.

Lớp vỏ hào nhoáng này đã bị “lột trần” khi vào tháng 2/2009, Stanford bị Ủy ban Chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) cáo buộc lừa đảo giới đầu tư. Các công tố viên vào cuộc và phát hiện, danh mục đầu tư trị giá nhiều tỷ USD mà Stanford huy động vốn của khách hàng với lời hứa sẽ trả lợi nhuận béo bở chỉ là giả mạo. Nhiều nạn nhân của Stanford mất trắng cả tiền tiết kiệm dưỡng già. Họ phải đợi 3 năm để chờ kẻ lừa đảo này bị đem ra trước vành móng ngựa cách đây ít hôm, bất chấp các luật sư của bị cáo cho rằng thân chủ của họ có vấn đề về trí nhớ. Theo cáo trạng, Stanford đã lừa 30.000 người với tổng số tiền 7 tỷ USD. Nhiều khả năng, Stanford sẽ phải bóc lịch 20 năm trong trại giam.

William Miller, “cha đẻ” của Ponzi


Nhiều thập kỷ trước khi mô hình lừa đảo đa cấp được gán cho cái tên Ponzi, kiểu lừa đảo này đã được một thủ thư có tên William Miller ở Brooklyn khởi xướng. Nhiều người đã vét sạch những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để góp vào công ty đầu tư mang tên Franklin Syndicate do Miller lập ra vào năm 1899, với hy vọng sẽ được trả lãi suất 10% mỗi tuần. Miller được đặt biệt danh “520%” - chỉ mức lãi suất cả năm mà ông ta hứa với các nhà đầu tư.

Siêu lừa này tuyên bố ông ta có một bí quyết để nắm bắt cách kinh doanh của các công ty ăn nên làm ra. Tuy nhiên, vụ việc rồi cũng đến lúc vỡ lở. Miller lừa của các nhà đầu tư 1 triệu USD, tương đương với 25 triệu USD ngày nay. Ông ta bị kết án 10 năm, nhưng chỉ phải ngồi 5 năm trong nhà đá. Sau khi được thả tự do, Miller đến Long Island kiếm sống bằng cách mở một cửa hiệu tạp hóa.

Charles Ponzi


Charles Ponzi không phải là người đầu tiên “thiết kế” ra kiểu lừa đảo Ponzi, nhưng kiểu lừa này được đặt theo tên ông ta vì cú lừa mà ông ta thực hiện đã khiến cả nước Mỹ phải chấn động vào thời đó. Năm 1919, gã người Italy nhập cư vào Mỹ này hứa với các nhà đầu tư rằng, họ sẽ kiếm đậm bằng cách mua tem thư quốc tế từ các quốc gia khác rồi đổi lấy tem thư Mỹ. Để hợp pháp hóa chương trình lừa đảo của mình, Ponzi đã mở ra công ty mang tên “Securities Exchange Company” ở Boston.
Ponzi “quay vòng” bằng cách dùng tiền của những nhà đầu tư mới để trả cho các nhà đầu tư đã góp vốn từ trước, đồng thời bỏ túi nhiều triệu USD. Cho tới khi đổ bể, vụ lừa đảo này khiến các nhà đầu tư mất trắng 20 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.

Tom Petters


Vào năm 2010, một doanh nhân ở bang Minnesota, Mỹ, có tên Tom Petters bị kết án 50 năm tù giam sau khi vụ lừa đảo Ponzi 3,65 tỷ USD do ông ta “đạo diễn” bị lôi ra ánh sáng. Đây được xem là vụ Ponzi lớn thứ ba trong lịch sử sau vụ Bernie Madoff và vụ Alan Stanford.
Với tư cách là CEO kiêm Chủ tịch của công ty Petters Group Worldwide, Petters thuyết phục các nhà đầu tư góp tiến để mua hàng điện tử để bán lại cho các hãng bán lẻ lớn Costco và Sam’s Club. Nhưng trên thực tế, Petters dùng tiền này cho các hoạt động kinh doanh khác của ông ta và trả lãi cho các nhà đầu tư khác. Lĩnh án khi đã 52 tuổi, có lẽ Petters đến chết vẫn chưa ra khỏi nhà đá.

Norman Hsu


Nguyên là một nhà huy động tài chính cho đảng Dân chủ của Mỹ, Norman Hsu bị cáo buộc vận hành một chương trình lừa đảo kiểu Ponzi với quy mô 60 triệu USD vào năm 2009. Với phương thức không mới, Hsu “thịt” các nhà đầu tư bằng cách mời chào họ góp vốn, hứa trả lãi cao, dùng tiền của nhà đầu tư trả cho người góp vốn trước.
Sau khi Hsu bị tố giác, tất cả những chính trị gia từng được ông ta huy động tài chính như Hillary Clinton, Eliot Spitzer, Andrew Cuomo, Barack Obama và Al Franken để chuyển số tiền đã nhận từ nhân vật này vào quỹ từ thiện. Mức án mà tòa dành cho Hsu là 24 năm “bóc lịch”.

Lou Pearlman


Sau thất bại nghề nghiệp trong ngành hàng không, Lou Pearlman chuyển sang lĩnh vực giải trí và trở thành một ông trùm âm nhạc sừng sỏ, có công thành lập những ban nhạc nam  lớn của thập niên 1990 như Backstreet Boys, NSYNC, O-Town… Tuy nhiên, Pearlman chỉ trở nên nổi tiếng như cồn sau khi chương trình lừa đảo Ponzi quy mô 300 triệu USD của ông ta bị phát giác vào năm 2006.
Để lừa các nhà đầu tư, Pearlman đã lập ra một công ty hàng không “ma”. Pearlman đã tìm cách bỏ trốn, nhưng bị bắt khi đang trên đường tẩu thoát sang Indonesia. Năm 2008, ông ta bị đem ra xét xử và kết án 25 năm tù giam.

Những vụ lừa đảo Ponzi ở Albania


Vào năm 1997, một vụ Ponzi khổng lồ ở Albiania đổ bể, đẩy nước này rơi vào cảnh hỗn loạn tài chính, đồng thời châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn, lật đổ chính phủ và khiến hơn 2.000 người dân thiệt mạng. Mấy năm trước đó, Albania bước vào thời kỳ quá độ sang cơ chế thị trường tự do sau nhiều năm nằm dưới sự thống trị của chế độ độc tài Enver Hoxha. Hệ thống tài chính còn sơ khai ở thời điểm quá độ của Albania nằm dưới sự thống trị của một loạt những kế hoạch Ponzi hứa trả nhà đầu tư mức lãi lớn.
Hơn 2/3 người dân Albania đã sập bẫy chiêu lừa này vì lóa mắt trước cơ hội giàu lên nhanh chóng. Thậm chí, Chính phủ Albania còn công khai phê chuẩn hoạt động của một số công ty lừa đảo này. Đến đầu năm 1997, người dân Albania bị mất tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD. Mất tiền, người dân đổ ra đường để phản đối Chính phủ, cho rằng nhà chức trách hưởng lợi từ những kẻ lừa đảo. Về sau, Liên hiệp quốc phải can thiệp để lập lại trật tự ở nước này.

Gerald Payne


Vụ lừa đảo Ponzi của Gerald Payne lấy mất của các nhà đầu tư gần 500 triệu USD, nhưng gây ấn tượng hơn cả là cách rút tiền của siêu lừa này. Vào giữa thập niên 1990, Payne dùng nhân danh nhà thờ để thuyết phục gần 18.000 người góp vốn cho ông ta, hứa sẽ trả lãi lớn thông qua việc đầu tư vào vàng, bạc và trái phiếu nước ngoài.
Trên thực tế, Payne đã dùng séc để rút tiền dưới mức giới hạn thông báo 10.000 USD nhằm không bị phát hiện. Tuy nhiên, do Payne rút tiền bằng séc rất nhiều lần nên đã bị Thuế vụ Mỹ chú ý. Khi ra tòa, Payne cho biết, số tiền đã bị dùng làm quà biếu chứ không phải được đầu tư. Payne lĩnh án 27 năm, còn vợ ông ta là Betty ngồi tù 12 năm rưỡi.

David Dominelli


Năm 1979, Domilelli mở một công ty ở California, Mỹ và hứa trả cho những nhà đầu tư góp vốn sớm mức lãi 40-50%. Đây là một vụ lừa đảo Ponzi kinh điển, trong đó Dominellini dùng tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho nhà đầu tư đến trước, huy động được tới 80 triệu USD. Đến năm 1983, gần 1.500 nhà đầu tư đã mắc bẫy của siêu lừa này, khiến ông ta dần dần không thể đáp ứng được khả năng rút vốn nữa. Vào năm 1985, Dominelli bị kết án 20 năm tù giam và được tha bổng sau khi thụ án 10 năm. Ông ta qua đời vào năm 2009 tại Chicago.

Bernie Madoff


Bernie Madoff được xem là biểu tượng của tội phạm tài chính hiện đại. Năm 2008, ông cựu Chủ tịch sàn giao dịch Nasdaq bị cáo buộc vận hành một vụ lừa đảo Ponzi trị giá 50 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử. Với uy tín ở Phố Wall, Madoff đã thu hút hàng chục ngàn nhà đầu tư góp vốn, hứa trả lãi 10,5% mỗi năm trong suốt gần 2 thập kỷ.

Cũng giống như các chương trình lừa đảo kiểu Ponzi khác, Madoff chỉ dùng tiền của nhà đầu tư đến sau trả cho người đến trước, chứ chẳng đầu tư gì sất. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà nhiều tổ chức từ thiện, trường đại học và cả một số ngân hàng đại chúng cũng bị Madoff lừa. Madoff bị kết án 150 năm và hiện đang bóc lịch trong trại giam.



Phương Anh

Theo Time
Previous
Next Post »