Di chúc để lại cho bồ

Làm ma cho bố xong, mấy đứa con ông Quyết chưng hửng khi không nhận được đồng thừa kế nào. Ông di chúc để tất cả cho… bồ.

Ông Quyết có ba đứa con gái, đều lấy chồng ra ở riêng. Ba cô đều nghèo. Bản thân ông Quyết cũng chẳng thể có của ăn của để gì nếu miếng đất đang ở bỗng nhiên lại được “trồi” ra gần đường lớn. Ông xẻ phần đất còn để trống đem bán, được hơn một tỷ gửi vào ngân hàng ăn lãi.

Trò “chơi khăm” cuối cùng dành cho “lũ vịt giời”

Vợ mất được dăm năm, ông Quyết bắt đầu “đi lại” với bà Vân, một đồng nghiệp cũ, trẻ hơn ông 17 tuổi. Ba cô con gái như phải bỏng. Họ sợ người đàn bà đó lập mưu lừa ông vào tròng hôn nhân rồi chiếm mất gia tài. Vì thế, họ sử dụng trăm phương ngàn kế để ngăn ông tục huyền, lôi hết mọi “thế lực” vào hết tỉ tê đến nhục mạ. “Không đỡ được”, ông Quyết đầu hàng, không dám nói chuyện cưới xin nữa. Tuy biết bố vẫn duy trì chuyện tình ái với bà Vân nhưng các con ông mặc kệ. Để ông bồ bịch chút cũng chẳng sao, miễn bà ấy không có quyền nhòm ngó gia sản là được rồi.

Nhưng cũng từ đó, ông Quyết giận cả ba cô con gái. Ông nói thẳng: “Chúng mày bảo ai chiếm gia tài? Chính chúng mày muốn chiếm thì có. Đừng hòng nhé. Toàn bọn vịt giời, chả trông mong gì, đã thế còn chia rẽ tình duyên của tao. Nói trước là tao không để cho chúng mày đồng nào hết, đi mà nhòm ngó bên nhà chồng ấy”.

Mấy đứa con gái chẳng đôi co với ông làm gì. Họ tin chắc ở quyền thừa kế của mình. Thế nên sau khi ông già đột ngột nằm xuống sau cơn tai biến, ba cô con gái và ba anh rể như bị đập một chày vào đầu khi di chúc của ông được công bố: ông để lại tất cả di sản cho bà Vân. Đây là trò chơi khăm cuối cùng mà ông Quyết dành cho “lũ vịt giời” của mình.

Đám con kéo nhau đến nhà bà Vân gây sự: “Bà đừng có tưởng bở, ông ấy có viết thế cũng không có giá trị gì hết, con cái đương nhiên được hưởng gia tài”. Phần tiếp theo dĩ nhiên là kiện tụng. Bà Vân được hưởng thừa kế của ông Quyết vì di chúc của ông được xác nhận là hợp pháp. Cũng may cho ba cô con gái, là nhà đất và tiền trong ngân hàng có một nửa là tài sản của bà mẹ quá cố, và họ được hưởng phần mình trong đó.

May mà kịp “tỉnh”

Cũng liên quan đến chuyện di chúc cho bồ hưởng thừa kế, nhưng chuyện nhà ông Khanh lại khác. Sống độc thân 15 năm sau khi ly dị vợ không sao, đến lúc về già, ông đâm ra dại gái, chết mê chết mệt một bà hàng xóm có thân hình phốp pháp, có bao nhiêu lương hưu bị bà rút tỉa hết. Vì gần nhà gần cửa nên con trai, con dâu ông với bà ta suốt ngày mắng nhau, rỉa rói nhau om sòm. Ông Khanh vừa điếc tai, vừa xấu mặt với hàng xóm, lại khó chịu khi thường xuyên thấy cái vẻ dè bỉu “già rồi còn dê” của con cháu nên ghét con cháu lắm.

Ông Khanh mất, việc tang ma xong xuôi, bà hàng xóm hả hê tuyên bố phần tài sản của ông thuộc về bà, theo di chúc ông đã lập, có công chứng hẳn hoi. Cả họ tái mặt, mấy người họ hàng còn nổi xung lên trước chuyện ngang trái mà đòi đánh bà bồ của người quá cố. Nhưng đúng lúc đó thì anh con trưởng xua tay bảo mọi người bình tĩnh. “Đây mới là di chúc của bố tôi, bản cuối cùng, lập sau bản kia 8 tháng”. Mọi người ồ lên nhẹ nhõm.

Hóa ra trong những ngày cuối cùng lâm bệnh, trước sự chăm sóc tận tình của con cái, ông Khanh nghĩ lại, bảo với con việc lập di chúc mới. Đến lúc đó, các con ông mới “hú vía’ khi biết từng có một bản di chúc trong đó bố để lại tất cả tài sản cho nhân tình. Còn bà kia, mừng vì vớ được tiền tỷ nhưng lại sợ ông đổi ý dưới tác động của gia đình, bèn tỉ tê khuyên tình nhân đừng nói gì chuyện di chúc với con cháu, “kẻo chúng nó làm ồn lên thì ông làm sao yên hưởng tuổi già”. Bản thân bà dĩ nhiên là im thin thít, ngày đêm phấp phỏng chờ ông Khanh chết mau để khỏi “đêm dài lắm mộng”. Cầu được ước thấy, bà mừng khi biết ông nằm xuống, chỉ không ngờ là ông già dại gái đến phút cuối lại khôn ra. Trước mặt bao nhiêu người, bà không biết giấu cái mặt ê chề của mình vào đâu, đành hậm hực ra về.

“Bà đang viết di chúc đấy, con sang chơi đi”

Bà nội anh bạn tôi năm nay đã 85 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, vẫn ở với ông bác. Bà anh giàu, tuy đất cát đã chia và sang tên hết cho các con nhưng vẫn còn trong két rất nhiều vàng, số tiền trong ngân hàng cũng rất lớn.

Bạn tôi kể: “Có hôm mẹ tôi thì thầm, mẹ nghe phong thanh là bà đang viết di chúc đấy. Con là cháu nội, phải năng sang chơi. Tôi nghe thế rất bực nhưng không dám nói gì mẹ, chỉ bảo con lúc nào chả thăm bà thường xuyên, viết hay không viết liên quan gì. Thế nhưng sau để ý, mới thấy là từ khi có tin đó, con cháu bà chăm đến chơi đột biến, lại còn quà cáp tưng bừng, bà ơi bà à rộn cả lên. Nghĩ cũng buồn cười”.

Quanh chuyện di chúc và thừa kế đúng là lúc nào cũng có chuyện cười ra nước mắt. Như bà cụ Phát tuổi gần đất xa trời, có một ít vàng, con cháu đứa nào cũng dòm dỏ. Cụ bảo không chia chác gì hết, số vàng để lo tang ma cho tao, còn lại chừng 6 - 7 cây thì tao cho một đứa cháu thôi. Bà chẳng chịu nói đứa nào, mà cũng không thấy bà cưng ai hơn, nên đứa nào cũng đoán già đoán non.

“Chắc bà nhử thế để chúng mình chăm bà cho tốt ý mà”, một anh cháu bảo. Thế là đám cháu lại đua nhau thăm nom, quà cáp lấy lòng. Được một thời gian, có thông tin: “Bà để hết cho thằng Linh rồi”. Cùng với việc gầm ghè “thằng” Linh là sự mất hút của lũ cháu. Được ít hôm, lại hóa ra tin đó là tin vịt. Nhà bà cụ Phát lại ríu rít tiếng trẻ như trước. Cuối cùng, phát chán cái kiểu săn đón giả tạo và những câu thăm dò, hờn dỗi của lũ cháu, bà cụ nói thẳng là sẽ cho cô cháu ngoại lấy chồng tận Buôn Mê Thuột: “Đấy, từ giờ chúng mày khỏi sang thăm, cho tao còn yên tĩnh một chút”.

Cụ Phát tâm sự: “Không có gì cho con cháu thì thương, mà có thì nhiều khi buồn anh ạ. Nó không hiểu là tiền bao nhiêu cũng tiêu hết, chỉ có tình cảm là còn mãi”. “Thì tiền tiêu bao nhiêu cũng hết nên người ta mới phải cố mà đuổi theo nó chứ bà”. Bà cụ bật cười: “Ừ nhỉ, đúng là sức mạnh đồng tiền, ghê thật!!!”.

(Theo Đất Việt)
Previous
Next Post »