Giật mình cổ tức DN nhỏ

Ngày 28/2, Hội đồng quản trị CTCP CNG Việt Nam (MCK: CNG) vừa có quyết nghị thông qua các nội dung quan trọng để trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên tổ chức ngày 06/04/2012. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2011 là 70% (tương đương 7.000 đồng/cp) và kế hoạch cho năm 2012 là 35%.

Trước đó, CNG đã tạm ứng cổ tức 2011 với tỷ lệ 25% (trong đó 15% là tiền mặt). Đây là một trong những doanh nghiệp có mức trả cổ tức cao trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội. So với mức giá hiện tại khoảng 26.000 đồng/cp thì mức trả cổ tức nói trên khá hấp dẫn.

Cổ tức cao là nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh 2011 khá tốt với doanh thu đạt 748 tỷ đồng (vượt 14% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 203 tỷ đồng - một con số rất cao so với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng của công ty.

Một loạt các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ cũng đã công bố mức chi trả cổ tức 2011 cao bao gồm: ABT (đã trả 60%), DSN (52%), DVP (40%), AAM (đã tạm ứng 30%), GIL (đã chia 40%), SDG (tạm ứng 30%), NTL (tạm ứng 25%)...

Cho tới thời điểm này, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố chính thức tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 nhưng có thể thấy trong nghị quyết đại hội cổ đông năm 2011, không ít doanh nghiệp có kế hoạch trả cổ tức trên 30%.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp tạm ứng một phần cổ tức như  BHS (20%), DTL (20%), TIX (25%), AGF (10%), DPR (15%), DVP (20%), PHR (15%), RAL (15%), CMS (15%)...

Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều doanh nghiệp có thu nhập/cổ phiếu (EPS) đạt trên 10.000 đồng/cp trong năm 2011 như: HGM (25.000 đồng), BMC, KSB, NNC, DPR, TRC, PHR, AGD, ACL, KTS, VSC, HHS, D11. Các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ đưa ra mức trả cổ tức cao dựa trên kết quả kinh doanh tốt của mình.

Đây là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế 2011 gặp rất nhiều khó khăn với lạm phát đứng ở mức cao trên 18% và lãi suất lên tới trên 25%/năm.

Đặc biệt, đối với các nhà đầu tư chứng khoán thì điều này càng rất có ý nghĩa khi năm qua, thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phiếu xuống thấp thì điều trông chờ lớn nhất của họ là cổ tức.

Hơn thế, theo các chuyên gia, trên một thị trường đầu tư dài hạn như cổ phiếu thì cổ tức luôn là vấn đề quan trọng. Nó đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả của DN trong thời điểm khó khăn nhất, chứng tỏ hướng đi đúng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của DN. Từ đó càng thu hút thêm nhà đầu tư đến và gắn bó với DN hơn. Đó mới chính là điều quan trọng nhất khi lên sàn chứng khoán.
Previous
Next Post »