Doanh nghiệp nhỏ không thể lớn nổi

Một số chính sách hỗ trợ từ Chính phủ dường như chỉ có doanh nghiệp lớn tiếp cận được. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã yếu càng yếu hơn chứ nói gì đến chuyện “lớn” lên.

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nói thẳng DN nhỏ thì thấp cổ bé họng, chờ ưu đãi, hỗ trợ biết đến bao giờ? Giờ an phận cho xong chứ muốn “lớn” lên đâu dễ!

Tại sao chỉ cứu DN lớn?

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Giải pháp Nhân lực:

Theo thống kê, hai năm trở lại đây có hàng trăm ngàn DN đóng cửa. Tôi cho rằng đó mới chỉ là con số trên giấy, thực tế còn nhiều DN “gác kiếm về vườn” trong lặng lẽ.

Kinh tế suy thoái, DN lớn khó khăn một thì DN nhỏ còn khó khăn gấp 10 vì nội lực của họ yếu hơn, khó tiếp cận các gói chính sách ưu đãi. Chỉ có khoảng 30% DN tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng, số còn lại phải tự xoay xở, tự bỏ tiền túi.

Từng trực tiếp điều hành DN và là cố vấn cho các DN vừa và nhỏ, tôi nhận thấy nguyên nhân khiến họ không “lớn” được, thậm chí “chết” hàng loạt là do suy thoái kinh tế chung. Tuy nhiên, trong đó có nguyên nhân nội tại do thiếu giải pháp tối ưu từ cơ quan quản lý đến DN.

Ví như năm 2009, Chính phủ có gói hỗ trợ 4% lãi suất cho các DN sản xuất, kinh doanh. Đó là chính sách “ăn xổi” vì chỉ giải quyết được trước mắt mà không căn cơ, triệt để. Nhiều DN dùng gói đó để đảo nợ chứ không đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mới đây, Chính phủ cũng có nhiều gói hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ nhưng họ cũng không với tới được. như chính sách giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN… chỉ giúp DN nào đang sống khỏe, khỏe thêm. Còn DN nào đã yếu rồi thì gói ưu đãi này cũng không tác dụng mấy cho họ. Nhưng chưa hẳn DN nào có doanh thu thấp hoặc mới lỗ thì có nghĩa là họ “đáng chết”.


Chỉ có khoảng 30% DN tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng, số còn lại phải tự xoay xở

Cần nhắc lại rằng DN vừa và nhỏ đang quá yếu rồi. Nếu như 2-3 năm trước, có khó khăn họ vẫn gắng gượng đeo bám nhưng giờ tôi thấy họ buông luôn. Cơ chế của mình chỉ mới giúp các DN lớn khó chết. Họ chỉ có khó khăn chút ít và người ta không thể để họ chết nên lại hỗ trợ ngay. Còn DN nhỏ thì đâu được vậy, hết vốn thì bị siết nợ, bán nhà, đóng cửa… Vì vậy, việc cứu DN lớn hay DN vừa và nhỏ là một bài toán cần sự cân đối, nhằm làm sao cùng hỗ trợ được các DN có năng lực và khả năng đeo bám tiếp trên thương trường.

Để giá nhảy múa cũng là “giết” DN

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt:

DN tôi được thành lập vào năm 2008, ngay vào năm nền kinh tế bắt đầu suy thoái. Bản thân tôi không nghĩ kinh tế suy thoái lâu đến thế. Đến hết năm 2010, tôi nghĩ Chính phủ kích cầu thì DN sẽ không còn lo ngại và đến hết năm 2011 sẽ khởi sắc. Thế nhưng nhìn vào cục diện hiện nay đã rõ.

Thực tế, khi đã tham gia kinh doanh thì ai cũng phải đặt xác suất thắng và thua. Tôi cũng tự đặt ra xác suất có thể thua ít nhất 30%. Nhưng rõ ràng thời gian vừa qua, tôi lại thấy đặt ra con số đó còn quá khiêm tốn. Vì vậy, trong những năm khó khăn, DN tôi phải co cụm lại chứ không đầu tư thêm nữa.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN dịch vụ như chúng tôi là cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt giá cả, tránh tình trạng tăng giá vô tội vạ bởi chính điều đó cũng đang “giết” DN.

Muốn “lớn” phải nhất thân, nhì thế

Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam:

Năm 2012 vừa rồi, hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước đã tung ra để hỗ trợ vốn cho DN sản xuất, ngành nông nghiệp còn được giảm lãi suất xuống 9%-11%. Nhưng thử hỏi bao nhiêu DN nhỏ và vừa của ngành thủy sản tiếp cận được nguồn vốn, được giảm lãi suất xuống mức đó? Xin thưa là chưa có! Nếu có chỉ là những DN lớn hoặc DN nhà nước. Thử hỏi có ngân hàng nào coi DN nhỏ và vừa là khách hàng tiềm năng? Họ có chính sách đầu tư hỗ trợ cho DN vay đơn giản vì họ cần có tài sản thế chấp đảm bảo. Thử hỏi bao nhiêu nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư từ Nhà nước mấy năm nay tập trung cho đối tượng DN nào: DN nhà nước, DN lớn. Chỉ thấy mấy ông DN nào “nhất thân, nhì thế” thì tiếp cận được, nguồn vốn tung ra chỉ một bộ phận chia nhau dạng “lợi ích nhóm”. Nói thật DN còn chẳng nghe cái chính sách hỗ trợ đến đâu.

Môi trường đầu tư đang “quá công bằng”

Ông Vũ Phước Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam:

DN nhỏ và vừa chủ yếu là DN sản xuất, giải quyết 90% việc làm cho lao động cả nước nhưng nghịch lý là chưa được đầu tư tương xứng. Nghe hô hào đầu tư cho DN nhỏ và vừa mà chẳng thấy đâu, toàn nghe giải cứu mấy DN nhà nước lớn làm ăn thua lỗ, ưu đãi thuế, phí… cho DN FDI. Thuế, phí, lãi suất cao và cách điều hành nền kinh tế dường như đang được đánh đồng cho tất cả loại hình DN. Và với thế yếu hơn, DN nhỏ và vừa chẳng thể nào nhận được sự hỗ trợ, sự đầu tư vì môi trường hoạt động kinh doanh đang “quá công bằng”, ai cũng như ai nên ai mạnh hơn thì thắng.
Previous
Next Post »