Chứng khoán Việt Nam dưới mắt chuyên gia Nhật

Chuyên gia kinh tế - chứng khoán Imai Masayuki (ảnh bên) sẽ đến Việt Nam từ ngày 12/5 đến 16/5, để tìm hiểu thêm về các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu. Dù hết sức bận rộn để chuẩn bị cho chuyến đi, nhưng anh vẫn dành thời gian để tham gia cuộc phỏng vấn với Akira Lê tại quận Chuo, Tokyo.



Dưới đây là các nội dung phỏng vấn đáng chú ý về triển vọng kinh tế và chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Akira Lê: Ông nhận định như thế nào về nền kinh tế Việt Nam hiện tại?

Imai Masayuki: Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là việc xử lý nợ xấu ngân hàng. Điều này là do nền kinh tế đã tăng trưởng nóng trong hơn 10 năm qua và tiếp tục phát triển theo chiều hướng quá phụ thuộc vào bất động sản.

Vì vậy, sự thay đổi cơ cấu kinh tế, chính sách của Việt Nam theo tôi là phù hợp với tình thế hiện nay. Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản có cảm tình với Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, ít ra là giúp thị trường chứng khoán vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Việc xử lý nợ xấu khó tránh khỏi tác dụng phụ, nhưng kết quả là sức khỏe toàn diện của nền kinh tế sẽ được cải thiện, góp phần gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và GDP. Tôi nghĩ rằng, thay vì cứu chữa bằng phẫu thuật theo kiểu Tây Y, cách làm này gần với Đông Y nhưng lại tỏ ra hiệu quả hơn, vì đây chính là giải pháp hạ cánh an toàn đối với vấn đề nợ xấu, phù hợp với nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam.

Theo Ông thì chiến lược phát triển như thế nào là bền vững đối với Việt Nam?

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được xem là sánh ngang với các nước ASEAN khác, chẳng hạn như Indonesia, nhưng xét về lộ trình phát triển kinh tế thì Việt Nam đi sau các nước này một bước. Mô hình dưới đây phản ánh điều đó:


Theo lộ trình phát triển kinh tế ở trên, Việt Nam đang dịch chuyển từ giai đoạn “hoàn thiện cơ sở hạ tầng” sang “phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu”.

Điều này tương tự như Nhật Bản vào những năm 1960 và Indonesia, Philippines vào những năm 1970. Vào thời điểm đó, tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và tay nghề khéo léo, Nhật Bản đã sản xuất và xuất khẩu sang Âu Mỹ lượng lớn hàng dệt may chất lượng cao.

Sau đó, ngành công nghiệp dệt may bị lỗi thời, Nhật Bản chuyển hướng tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Họ đã đạt thặng dư thương mại khổng lồ cho đến ngày nay. Những năm 1980, giá bất động sản bắt đầu bùng nổ, tiềm lực kinh tế của Nhật Bản đã đạt đến mức có thể thâu tóm nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ.

Sau Nhật Bản, các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Philippines cũng đã lần lượt áp dụng chiến lược “công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu" này để xây dựng quốc gia vững mạnh như hiện nay. Vì vậy, nếu Việt Nam quyết tâm theo đuổi chiến lược này, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ phát triển bền vững.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài hay không?

Biểu đồ dưới đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng không kém các nước khác trong khu vực:


Nếu so sánh với các thị trường khác, chứng khoán Việt Nam có tuổi đời trẻ hơn, vì vậy có sức bật lớn hơn so với những thị trường già cỗi.

Các chỉ số cơ bản (P/E, P/B,…), giá cổ phiếu Việt Nam cũng đang ở mức thấp hơn.

Nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett đã từng nói: "Nên mua một cổ phiếu phi thường ở mức giá bình thường, hơn là mua một cổ phiếu bình thường ở mức giá phi thường".

Từ kinh nghiệm về đầu tư quốc tế của mình, tôi thấy rằng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam sẽ có lợi hơn và quan trọng là phải biết chọn mua cổ phiếu đúng thời điểm.

Nếu bây giờ đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thì Ông sẽ chọn những ngành nào?

Tôi thật sự quan tâm đến các ngành liên quan đến công nghiệp chế biến, sản xuất và phục vụ xuất khẩu. Cổ phiếu ngành này được các nhà đầu tư tại Nhật Bản đánh giá là rất có triển vọng trong thời gian sắp tới.

Vì vậy, từ ngày 12/5 tôi sẽ tiếp tục đến Việt Nam để thăm và tìm hiểu thêm về hoạt động kinh doanh của một cố công ty niêm yết liên quan đến lĩnh vực này.

Cám ơn Ông!

Akira Lê
(Vietstock)
Previous
Next Post »