Vì sao nhiều đại gia Việt thất bại?

Kinh tế Việt Nam từ khi mở cửa tới hôm nay đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều đại gia về kinh tế nhưng cũng đồng thời chứng kiến thấy sự biến mất của nhiều người, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Chúng ta thường tìm hiểu sự thành công của người khác để mà ca ngợi hay học hỏi, nhưng chúng ta ít khi nào tự hỏi “tại sao họ lại thất bại”. Chúng ta đều biết họ là những con người tài giỏi và năng động. Họ đã xây dựng nên một sự nghiệp lẫy lừng, một thương hiệu vang dội từ những nhọc nhằn, nghèo khó của thời vừa mở cửa. Vì thế không thể bảo rằng họ dốt, thiếu kinh nghiệm... mà thất bại. Vậy thì tại sao?
Thực tế cho thấy rằng sau một thời gian chinh chiến thương trường với nhiều chiến công lừng lẫy, rất nhiều người trong số họ đã phải âm thầm biến mất hoặc các công ty của họ bị người khác sở hữu, hoặc nước ngoài thâu tóm.
Có rất nhiều nguyên nhân để một đại gia ngã ngựa. Thứ nhất là vỡ nợ do vay mượn. Thay vì chỉ nên vay tối đa 1:1, tức là tổng tài sản của mình có 100 đồng thì chỉ nên vay tối đa là 100 đồng nữa thôi thì họ lại đi vay 2,3 …đến trên 10 lần. Và tất yếu điều vỡ nợ xảy ra khi tình hình kinh doanh không thuận lợi.
Để tránh điều này chúng ta nên hạn chế vay mượn. Tuyệt đối không được dùng vay ngắn hạn đầu tư dài hạn - đây là nguyên tắc cơ bản của quản trị tài chính, trừ một số trường hợp thật đặc biệt và có bảo lãnh. Hãy huy động vốn góp để mở rộng công ty nếu muốn gia tăng nguồn tài chính để mở rộng sản xuất. Nếu không thể huy động thì hãy bằng lòng với cái mình có – đừng tham lam để rồi một ngày nào đó rước họa vào thân.
Nguyên nhân thứ hai là đầu tư không am hiểu. Nhiều người và nhiều công ty đầu tư vào rất nhiều ngành nghề, thậm chí vào ngành mình không chuyên bằng vốn đi vay. Để tránh điều này, chúng ta chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực nào mà mình am hiểu và có kinh nghiệm.
Kế tiếp là nguyên nhân đầu tư quá sức. Năng lực mỗi người thì có hạn, nếu quá tham lam mở nhiều chi nhánh hay công ty, kể cả trong lĩnh vực mình đang làm, rồi không quản lý được, cũng là một cái chết thường gặp của các doanh nhân.
Có rất nhiều trường hợp khi là chủ một cơ sở thì rất thành công, đến khi phát triển thành công ty lớn thì thất bại. Nếu chúng ta làm mà không thể quản lý được công việc sẽ tất yếu dẫn đến phá sản.
Ngoài ra, đầu tư theo phong trào mang tính 'bầy đàn' cũng là một nguyên nhân. Thương mại thì đổ xô đầu tư bất động sản, chứng khoán... Nông nghiệp thì đổ xô nuôi tôm, cá, ba ba, dúi, nhím, khoai lang Nhật, gạo, tiêu, điều… Câu chuyện thiếu lại thừa, thừa lại thiếu cứ lặp đi lặp lại bao nhiêu năm nay mà vẫn ít thấy rút kinh nghiệm. Trong kinh tế thị trường, doanh nhân phải luôn sáng tạo trong mọi lĩnh vực để tìm ra những điều khác biệt, điều mới mẻ.
Cuối cùng là pháp luật. Thiếu hiểu biết pháp luật hay không cẩn thận khi ký các hợp đồng kinh tế, sang nhượng… thất bại vì những vấn đề này là điều đáng tiếc cho người doanh nhân. Thật sự người kinh doanh rất bận rộn, trong khi luật lệ thì cứ thường xuyên thay đổi, không thể theo kịp. Khi đến một địa phương lạ nhiều khi ta cũng bị chết oan vì không nắm vững được luật lệ của địa phương đó. Phải chịu khó nghiên cứu hay bỏ tiền để mướn luật sư tư vấn. Đôi khi thành công cũng nhờ luật mà thất bại cũng vì luật.
Tóm lại để tồn tại tốt trong môi trường kinh doanh kinh tế thị trường, mỗi doanh nhân phải biết quản trị tài chính, quản trị công việc, quản trị pháp luật, và đặc biệt là phải biết quản trị lòng tham.
Previous
Next Post »